Trung tâm Hội chợ Triển lãm Việt Nam ở Đông Anh sắp triển khai dự án đang trong tình trạng chờ hoàn thiện pháp lý, dự kiến khởi công trong giai đoạn 2024-2025.
Kết phiên giao dịch ngày 13/3, cổ phiếu VEF của CTCP Trung tâm Hội chợ Triển lãm Việt Nam (sàn UPCoM) đóng cửa tăng trần lên mức 180.500 đồng/cp; thanh khoản đạt 54.300 đơn vị – cao nhất trong vòng 1 tháng.
Tạm tính, đây là phiên tăng giá thứ 4 liên tiếp của cổ phiếu họ Vingroup (+21%) qua đó thiết lập mức cao nhất kể từ đầu tháng 5/2022.
Dù vẫn còn cách đỉnh lịch sử khá xa (mức 275.000 đồng lập được cách đây tròn 2 năm), tuy nhiên so với mức thấp điểm hồi giữa tháng 11/2022 khi VN-Index tạo đáy 874 điểm, cổ phiếu VEF đã tăng khoảng 310%.
Trên đồ thị kỹ thuật, chỉ báo SuperTrend xuất hiện tín hiệu tích cực kể từ phiên 11/3; RSI vừa vượt mốc 70 điểm vào vùng quá mua; chỉ báo MCDX cho thấy vị thế gia tăng của các dòng tiền lớn.
Vấn đề của không ít nhà đầu tư lúc này là việc nếu nhìn vào chỉ số P/B (9,5 lần), P/E (67 lần) hiện tại, cổ phiếu nhà Vin này có còn hấp dẫn?
Xét về bức tranh tài chính, năm 2023, CTCP Trung tâm Hội chợ Triển lãm Việt Nam dù chỉ ghi nhận 9 tỷ đồng doanh thu song nhờ 564 tỷ đồng doanh thu tài chính nên lãi sau thuế đạt gần 435 tỷ – tăng 35,9% so với năm 2022. Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối vượt mốc 1.400 tỷ đồng.
VEF hiện là công ty con do Tập đoàn Vingroup (Mã VIC) nắm hơn 83,3% vốn. Tuy nhiên, khác với các “anh chị em” trong cùng họ, cổ phiếu VEF tỏ ra nổi trội hơn nhiều trong 18 tháng qua. Đặc biệt, cơ cấu cổ đông hiện vẫn nghi nhận nguồn vốn Nhà nước (cụ thể là Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch nắm 10% cổ phần).
Theo đánh giá của Azfin Việt Nam, doanh nghiệp trên thị trường dù chỉ có 1% vốn cổ đông Nhà nước thì vai trò của cổ đông đặc biệt này cũng là rất lớn, đòi hỏi phải tuân thủ những quy định nghiêm ngặt của Nhà nước. Điều này mang lại những yên tâm hơn đối với nhà đầu tư cá nhân liên quan đến vấn đề lợi ích tại doanh nghiệp.
Theo chuyên gia Azfin Việt Nam, dự án 148 Giảng Võ được đánh giá là một trong những khu đất “kim cương” hiếm hoi còn lại tại khu vực nội đô. Dự án đã hoàn tất pháp lý, có thể khởi công trong năm 2024.
Dự án khu đô thị Nam Hà Nội (Mễ Trì) cũng được đánh giá tiềm năng khi sở hữu lô “đất vàng” đắc địa gần Đại lộ Thăng Long và nhiều tổ hợp đô thị, trung tâm hội nghị quan trọng của Hà Nội. Tình trạng hiện hữu của dự án là chờ khởi công.
Trong khi đó, dự án quan trọng nhất là Vinhomes Cổ Loa cũng có vị trị “kim cương” được săn đón khi nằm 2 bên Quốc lộ 5. Đặc biệt khi cầu Tứ Liên đi vào hoạt động, việc di chuyển từ khu đô thị này đến nội đô Hà Nội (Hồ Tây) chỉ mất vài km. Ngoài ra, việc di chuyển từ dự án đến sân bay chỉ hơn 10km.
Tổng quan dự án Vinhomes Cổ Loa:
Tên thương mại: Vinhomes Global Gate.
Tổng diện tích đất: 385ha. Trong đó Trung tâm hội trợ Triển lãm Quốc gia 90ha. Còn lại là dự án Nhà ở.
Mật độ xây dựng: 28,5%.
Nhà thấp tầng: Chia làm 3 phân khu, tổng 4.147 căn.
+ The Metropolitan: 1.548 căn.
+ The Center Point: 1.752 căn.
+ The Times Avenue: 847 căn.
Tư vấn chi tiết diện tích liền kề/BT/shophouse.
– Liền kề: 65m – 75m – 90m². xây 4 – 5 tầng.
– Biệt thự Song lập: 127m – 136m – 150m². xây dựng 3,5 tầng.
– Biệt thự đơn lập: 200m – 230m – 350m². xây dựng 3,5 tầng.
Được biết, dự án đang trong tình trạng chờ hoàn thiện pháp lý, dự kiến khởi công trong giai đoạn 2024-2025.
Với diện tích đất thương phẩm khoảng 90-100ha, tổng vốn đầu tư tại dự án này khoảng 42.000 tỷ đồng trong đó hơn 7.000 tỷ dành cho triển lãm và gần 35.000 tỷ đồng vốn đầu tư cho khu đô thị.
Azfin ước tính, giá bán trung bình tại dự án có thể đạt 325 triệu đồng/m2. Theo đó, doanh thu tương lai với 90ha thương phẩm có thể đạt 292.500 tỷ đồng; biên lợi nhuận gộp khoảng 70% có thể giúp công ty đạt lợi nhuận gộp khoảng 200.000 tỷ đồng. Với ước tính lãi sau thuế 120.000 tỷ đồng (chưa chiết khấu, chiết khấu còn 80.000 tỷ đồng) trong giai đoạn 2025-2030, ước tính mỗi năm doanh nghiệp có thể thu về khoảng 20.000 tỷ.
Nhằm mục tiêu triển khai các dự án quan trọng trong thời gian tới, VEF được cho là đã lên kế hoạch tăng vốn dự kiến phát hành thêm gần 853 triệu cổ phiếu, nâng tổng số lượng lưu hành lên gần 1,02 tỷ cổ phiếu – tương đương vốn điều lệ gần 10.200 tỷ đồng. Tỷ lệ phát hành dự kiến là 1:5,12 (cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu được quyền mua 5,12 cổ phiếu mới).
Azfin Việt Nam đánh giá, việc tăng vốn cho thấy quyết tâm và triển vọng của VEF. Tuy nhiên, vướng mắc ở chỗ cần đạt được sự thống nhất chung với cổ đông Nhà nước hiện tại.
Theo CafeF